Giải ảo Hồ Chí Minh: 'Mặc áo giấy' hay dứt khoát uống 'thuốc đắng'? - Dân Làm Báo

Giải ảo Hồ Chí Minh: 'Mặc áo giấy' hay dứt khoát uống 'thuốc đắng'?

Thư gửi ông Bùi Tín

Trần An Lộc (Danlambao) - Thưa ông Bùi Tín

Trước hết cám ơn ông đã trả lời bài phản biện của hai tác giả Mỹ Linh và Phan Châu Thành, cũng là trả lời rất nhiều độc giả (mà tôi là một) bằng bài viết "Dù việc đánh tráo có hay không..." khá chân tình này.

Tôi đặc biệt tâm đắc khi ông viết: "Tôi hiểu rằng muốn thay đổi chế độ độc đảng tai hại, chuyển đổi sang hệ thống chính trị đa nguyên - đa đảng, nhất thiết phải xóa bỏ hình tượng sùng bái ông Hồ, giải ảo - démystifier - cái ảo thuyết coi ông Hồ là lãnh tụ vĩ đại, thậm chí là vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, để thuyết phục được cả xã hội ta sớm từ bỏ sự ngộ nhận ấy".

Tôi trân trọng tấm lòng của ông, nên xin được góp ý về vấn đề "giải ảo" và những đòi hỏi của công luận trong vấn đề này đối với các vị được coi là "dẫn đạo" của phong trào dân chủ hiện nay.

Thưa ông

Tôi đồng ý là việc "giải ảo" về ông Hồ Chí Minh là một việc vô cùng cần thiết, quan trọng và cấp bách. Chính vì nhận thức như thế, cho nên khi thấy những người như cụ Lê Hồng Hà, tướng Vĩnh, luật sư Hà Vũ hoặc một số quí vị trí thức dẫn đầu phong trào Dân Chủ trong nước vẫn dựa vào cái bóng họ Hồ, đại tướng Giáp, Cách Mạng tháng 8... thì chúng tôi vừa lấy làm tiếc mà cũng thật đau lòng!

Thật vậy, dẫn dắt một phong trào quần chúng mà không dám nhìn nhận sự thật của lịch sử, không có cái công tâm nói lên là lịch sử đã bị bóp méo... thì không đau lòng sao được? Bởi vì dẫn đắt một phong trào Dân Chủ mà không đứng trên đôi chân sự thật, thì rồi một ngày cái bóng mà quí vị ấy dùng để dựa vào bị sụp đổ, bị lột mặt nạ, thì thử hỏi chính các vị ấy có bị sụp theo không? Và phong trào của các vị ấy có tự nó tan rã hay không?

Chính vì vừa tiếc vừa đau như thế mà công luận mới lên tiếng đòi buộc quí vị có lòng ấy, hãy can đảm thêm một bước, hãy nhìn xa hơn một bước, để với công sức và tâm huyết của mình, sẽ cùng toàn dân làm lại lịch sử, viết lại lịch sử, và sống với lịch sử... Hơn là ôm một mớ dối trá, được tạo dựng bởi tuyên truyền và lừa bịp... để rồi sẽ bị gậy ông đập lưng ông, làm hỏng đại sự, thêm một lần để lỡ chuyến tầu khi con tầu thế kỷ Tự Do Dân Chủ cập bến.

Thí dụ như trong bài viết "Mấy suy nghĩ về tình hình, nhiệm vụ ngày nay" của cụ Lê Hồng Hà. Đây là một bài viết đầy tâm huyết và có những đề nghị dứt khoát và quyết liệt đòi loại bỏ sự lãnh đạo của đảng CSVN - loại đảng CSVN ra khỏi hệ thống chính quyền của nhà nước VN hiện tại. Một đề nghị để VN tiến đến dân chủ đa nguyên mà không gây đổ máu và xáo trộn. Một bài có những đề nghị dứt khoát và quyết liệt như thế thì cần gì đến cái mở đầu vừa tréo ngoe vừa ngớ ngẩn (trích nguyên văn):

"Nhờ sự phát huy truyền thống cứu nước của cha ông ta trong lịch sử, mà nhân dân ta đã tiến hành Cách mạng Tháng 8 và giải phóng đất nước thành công. Đó là công lao vĩ đại của nhân dân ta, có sự đóng góp quan trọng của các nhà yêu nước, đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Chúng ta phải biết ơn nhân dân, các nhà yêu nước, đặc biệt là Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh." 

Sở dĩ tôi viết đoạn mở đầu này là ngớ ngẩn vì nếu các phần sau bài viết được thi hành triệt để thì nguyên con cái mở đề ấy có được để yên hay không? Hay nó sẽ bị công luận đòi buộc chính phủ mới, do dân và vì dân thực sự, phải đưa lên bàn mổ để mổ xẻ, phân tích, chứng minh rằng đó chỉ là tuyên truyền! Rằng lịch sử đã bị đổi trắng thay đen! Rằng đảng CSVN chẳng có một công trạng nào mà trái lại đã phạm bao tội ác làm bại hoại đất nước!

Đây là một thí dụ để quí vị thấy là khi làm lịch sử, chúng ta không thể dựa vào những điều dối trá. Vì nó vừa tố cáo sự khuất tất của quí vị nó lại vừa gây hại khôn lường cho phong trào về bề lâu bề dài.

Ông bà ta có câu: "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Vâng, quí vị là những sĩ phu, là những tinh hoa của dân tộc có nhiệm vụ dẫn đạo cho người dân đi theo, thì quí vị không thể mặc áo giấy được. Vì, mặc áo giấy là để đi với ma trong khi quí vị đang đồng hành với toàn dân. Nếu quí vị mặc áo giấy "cho nó lành", thì điều đó có nghĩa quí vị đã không còn đi với dân nữa, mà quí vị đã chọn đi với ma hay nói cách khác là đi với đảng CSVN!

Thưa ông Bùi Tín

Vì vậy tôi xin nhân cơ hội này được đề nghị với ông rằng, với vị trí như một "lão thành cách mạng" của ông, cùng những dữ kiện khoa học mà ông có (trích): "Từ 1998 đến 2004, tôi có dịp gặp một số nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu quan tâm đến tình hình VN, viết sách về VN. Ở Paris tôi có dịp gặp, trao đổi ý kiến khá sâu với ông J. William Duiker, cô Sophie Quinn Judge, giáo sư Pierre Brocheux đều là những người viết kỹ nhất về tiểu sử của ông Hồ.

Qua những cuộc thảo luận ấy tôi hiểu rõ ông Hồ hơn, nhất là thái độ của ông Hồ sùng bái mù quáng Stalin, Mao Trạch Đông ra sao, thiếu quan điểm độc lập, tự chủ, bị Trung Quốc ép nên cam chịu chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 ra sao. Ông được đào tạo là nhân viên tình báo được KGB trả lương.

Tôi hiểu rằng muốn thay đổi chế độ độc đảng tai hại, chuyển đổi sang hệ thống chính trị đa nguyên - đa đảng, nhất thiết phải xóa bỏ hình tượng sùng bái ông Hồ, giải ảo - démystifier - cái ảo thuyết coi ông Hồ là lãnh tụ vĩ đại, thậm chí là vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, để thuyết phục được cả xã hội ta sớm từ bỏ sự ngộ nhận ấy" phải được chuyển đến các ông "lão thành cách mạng", đặc biết là quí vị được đề cập ở trên. Tôi tin rằng, nếu những tài liệu quí giá của ông mà được những người như cụ Lê Hồng Hà, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, ông Nguyễn Huệ Chi quan tâm, thì chẳng khi nào quí vị này còn dựa hơi vào ông Hồ, đừng nói đến những tay chân cỡ Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... mà ngày nay vẫn còn được coi như là những cái áo giấy để quí vị ấy mặc mà đi... lãnh đạo phong trào dân chủ!?

Thưa ông Bùi Tín

Tôi đồng ý với đoạn kết của ông: "Công cuộc đánh giá đúng con người cầm quyền cao nhất ở VN từ 1945 đến 1969, giải ảo sự sùng bái mù quáng dai dẳng lãnh tụ vẫn là một việc làm cần thiết, bằng những chứng cứ, lập luận vững chắc, tài liệu lịch sử đáng tin cậy, với thái độ bình tĩnh bè bạn chứ không thể bằng sự công kích, chia rẽ, lên án nặng nề, chỉ gây nên phản tác dụng, khi lực lượng dân chủ VN đang cần phát triển và đoàn kết.". Nhưng thưa ông: "thuốc đắng dã tật - sự thật mất lòng". Một người trên cương vị dẫn đạo mà không uống được thuốc đắng, và không nhận chân được sự thật thì có khác gì những người đang nằm trong guồng máy lãnh đạo đảng CSVN ngày nay?

Vì thế tôi nhận thấy những liều thuốc hiện có trên các diễn đàn xã hội cả trong và ngoài nước dành cho các sĩ phu Việt Nam (niềm tự hào và chỗ dựa của dân tộc) đều chưa đủ độ đắng, đều chưa dã được tật, nếu như những người gọi là có tấm lòng vì dân vì nước đó vẫn chỉ muốn "cho nó lành" và chưa sẵn sàng đối đầu với dối trá cũng không muốn nhìn nhận sự thật và tôn vinh sự dũng cảm của việc mạnh dạn uống những liều thuốc đắng.

Cuối cùng xin cám ơn những chia sẻ và góp ý của ông.

Xin kính chào và chúc ông sức khỏe.

Trân trọng



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo