Một thiếu niên nguy kịch sau khi bị CA giam trái phép 2 tháng - Dân Làm Báo

Một thiếu niên nguy kịch sau khi bị CA giam trái phép 2 tháng


Một thiếu niên trong tình trạng nguy kịch sau khi bị tạm giam trái phép gần 2 tháng

Huyền Trang, GNsP (07.10.2015) – Một thiếu niên nghi lấy trộm 2 triệu đồng của hàng xóm, bị phát hiện, được dẫn giải lên công an xã và bị tạm giam để điều tra xét hỏi gần hai tháng, đang trong tình trạng nguy kịch với nhiều vết thương trên cơ thể và có thể tử vong.

Nạn nhân tên là Đỗ Đăng Dư, sinh năm 1998, 17 tuổi, ngụ thôn Đông Cựu, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Tp Hà Nội.

Gia đình nạn nhân cho biết, bên ngoài cơ thể nạn nhân có nhiều vết bầm tím trên mặt, gò má, hai thái dương. ‘Trước khi bị bắt Dư khỏe mạnh, nhưng sau khi bị giam thì không biết vì sao lại xảy ra chuyện này’. Bà Đỗ Thị Mai, mẹ của nạn nhân, khẳng định.

Hiện nay, nạn nhân vẫn đang được điều tị tại bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Bà Mai quả quyết: “Cháu chết rồi, chỉ còn mỗi tim đập một ít thôi.”

Tuy nhiên, về phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền lại không cho gia đình nạn nhân biết nguyên nhân nào gây ra các vết thương này khi Dư bị tạm giam một cách trái phép và khiến Dư có nguy cơ tử vong cao.

Đỗ Đăng Dư bị giam hai tháng khi không có lệnh tạm giam và khởi tố

Sự việc xảy ra vào ngày 05.08.2015, khi Dư bị nghi ngờ hành vi lấy trộm 2 triệu đồng của nhà hàng xóm, bên cạnh nhà bà Mai. Bà Mai thuật lại:

“Trước cửa nhà ông hàng xóm có một cái ao mấy đứa nhỏ hay nhảy xuống đó để tắm. Hôm 05.08, cháu đi làm về, tôi thấy nó đi ra đó thì cứ nghĩ là nó đi xuống ao tắm. Lúc đó tôi đang nấu cơm. Nhưng sau đó tôi được cho biết là, cháu lại vào nhà ông hàng xóm lấy tiền, lấy 2 triệu đồng, khi lấy rồi cháu sợ và vứt xuống đất. Gia đình ông hàng xóm nói là ‘bố mẹ không dạy con được, thì sẽ đưa cho pháp luật trừng phạt’, cả nhà ông ấy xúm vào đánh thằng con nhà tôi. Họ gọi công an xã xuống làm việc, tôi có xin là nếu cháu có lấy tiền thì gia đình tôi sẽ xin bồi thường, nhưng họ đưa thằng bé và hai triệu đồng lên công an xã. Sau đó, họ bắt cháu lên công an huyện luôn. Từ đó, gia đình tôi không được gặp cháu.”

Sau khi công an bắt và tạm giam Dư, gia đình không hề nhận được bất kỳ thông báo, lệnh tạm giam hay tạm giữ nào. Trong suốt thời gian bị tạm giam, gia đình bà chỉ gửi được cho Dư mấy gói mì tôm vì gia cảnh khó khăn.

Nạn nhân bị hôn mê và có nguy cơ tử vong sau hai tháng bị tạm giam trái phép

Sau 2 tháng Dư bị tạm giam, vào ngày 04.10, cán bộ tên Dũng gọi điện thoại cho gia đình bà Mai và yêu cầu gia đình đến bệnh viện Bạch Mai thăm Dư gấp. Bà Mai kể tiếp:

“Khi ra đến nơi, trong phòng có một cái giường và hai bệnh nhân đang được tiếp nước, một ông khoảng hơn 50 bị xích lại nằm trên giường, còn thằng con tôi nằm ở dưới đất. Tôi cũng vô tình nghĩ rằng là nó đang được tiếp nước nên nó nằm ngủ, lúc đó tôi thấy gò má của cháu bị tím bầm. Sau đó tôi đi về. Đến 4-5giờ thì cán bộ trại giam gọi cho tôi, nói là cháu đã khỏe lại và sẽ được đưa về lại trại giam. Hôm sau [ngày 05.10], khoảng 3 giờ chiều, cán bộ trại giam gọi cho tôi và nói là cháu bất tỉnh.”

Bà Mai khóc nức nở, uất nghẹn: “Cháu bất tỉnh từ hôm đó cho đến hôm nay không biết một cái gì nữa cả… Con tôi trước đây khỏe mạnh bây giờ lại như thế này thì có khổ không đây cơ chứ…”

Gia đình cũng cho biết, có nhiều kiến bò xung quanh người của Dư và trên giường, chất dịch màu vàng từ người Dư chảy ra.

Phía cơ quan chức năng đã nói gì?

Về phía công an, họ chỉ cho gia đình bà Mai biết rằng, Dư bị suy nhược cơ thể nên đã đưa Dư đến bệnh viện để điều trị, nhưng khi gia đình hỏi nguyên nhân nào khiến cơ thể Dư bị sưng vù và có nhiều vết bầm tím trên cơ thể thì họ không trả lời.

Phóng viên GNsP liên lạc trực tiếp với công an huyện Chương Mỹ, Tp Hà Nội hỏi thêm thông tin về nạn nhân Đỗ Đăng Dư nhưng bị họ khước từ với câu trả lời: “đang bận tiếp điện thoại của người khác”.

Được biết, hiện nay, tại phòng nơi Dư đang điều trị luôn có công an túc trực canh gác, không cho gia đình và người thân tiếp cận.

Một trong những người bất đồng chính kiến sống ở Hà Nội là ông Trương văn Dũng đến bệnh viện Bạch Mai để an ủi gia đình nạn nhân nhưng đã bị công an cản trở. Ông Dũng kể: “Công an cản không cho tôi vào thăm Dư. Tôi nói, nếu như con cháu các anh bị công an đánh chết như thế này thì các anh có vô cảm được không? Do đó các anh không được ngăn cản tôi. Họ miễn cưỡng cho tôi vào thăm em Dư. Tôi biết là đi thăm gia đình em Dư lúc này sẽ nguy hiểm nhưng tôi vẫn làm điều đó, bởi vì tôi cảm thấy lương tâm tôi rất thanh thản vì tôi làm điều có ích và có nghĩa.”

Công an ngăn cản không cho ông Trương Văn Dũng vào thăm Dư nên ông chất vấn: “Nếu như con cháu các anh bị công an đánh chết như thế này thì các anh có vô cảm được không?”

Ông Trương Văn Dũng đến thăm và an ủi gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư

Nỗi đau xé lòng của người mẹ

Khi trao đổi với phóng viên GNsP, bà Mai –mẹ của Dư, một nông dân- liên tục khóc nức nở từng cơn trước tình trạng nguy kịch của con trai bà. Bà Mai uất nghẹn nói:

“Chỉ nghi cháu lấy hai triệu thôi mà bây giờ cháu lại bị ra như thế này. Tôi mong muốn pháp luật phải giải quyết cho con trai tôi được công bằng vì nếu đúng là cháu có lấy 2 triệu, tội không đến nỗi nặng quá, mà lại bị rơi vào tình trạng như thế này.”

Cùng với nỗi đau của người mẹ, một người thân của nạn nhân uất ức nói: “Tình trạng của Dư là do lỗi của các nhà chức trách đã bắt cháu đi, những người đủ thẩm quyền giam giữ cháu. Trong thời gian cháu bị giam cầm để điều tra xét hỏi thì cháu phải được chăm sóc một cách cẩn thận, chứ không phải đối xử với cháu như một con vật thích cho sống thì sống, thích buộc chết thì phải chết.”

Ông Trương Văn Dũng nói rằng, qua cuộc tiếp xúc với gia đình nhận thấy, “mẹ Dư là người khắc khổ, tiều tụy và gia cảnh nghèo”.

Trong những ngày sắp tới, gia đình bà Mai sẽ đi kêu oan cho con trai.

Theo qui định Bộ luật Tố tụng Hình sự, công an chỉ có thể tạm giữ hình sự tối đa 9 ngày. Sau đó, buộc phải có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nếu không, phải trả tự do cho người bị tạm giữ. Khi bắt người, tạm giữ, tạm giam… phải có căn cứ, phải theo trình tự, thủ tục Luật định, phải thông báo ngay cho gia đình. Đối với trường hợp cụ thể của em Dư, theo qui định khoản 1 Điều 88 BLTTHS, cho dù công an có đủ căn cứ xác định Dư lấy trộm 2 triệu của hàng xóm, cũng không được tạm giam.

Tình trạng người dân tử vong do bị công an đánh xảy ra càng ngày càng nhiều ở VN, nổi cộm nhất vụ án của nạn nhân Ngô Thanh Kiều sống ở Phú Yên bị lực lượng công an dùng nhục hình trong quá trình bị tạm giam, điều tra xét hỏi.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo