Quốc hội Việt Nam- quốc hội bù nhìn - Dân Làm Báo

Quốc hội Việt Nam- quốc hội bù nhìn

Trần Hoàng Lan (Danlambao) - Quốc hội Việt Nam khiến một số người dân nhẹ dạ tin rằng mình đã có đại diện và tự do dân chủ. Những điểm tương đồng trên là lý do để gọi quốc hội Việt Nam là quốc hội bù nhìn. Cùng là bù nhìn nhưng giữa quốc hội Việt Nam và "thằng bù nhìn" lại có những điểm khác biệt đến trái ngược. Tuy làm bằng rơm rạ, giẻ rách không biết cày cấy, thưa gửi như người nhưng "thằng bù nhìn" đã làm được một việc rất hữu ích là đuổi chim để bảo vệ mùa màng. Còn quốc hội Việt Nam đại biểu hầu hết là "đỉnh cao trí tuệ" có trình độ GSTS, thạc sĩ, cử nhân, nói thông thạo vài ba ngoại ngữ tương ứng với số phần trăm... nhưng ngoài việc tiêu tốn tiền thuế và giúp đảng đánh lừa dân ra, chẳng làm được một điều gì hữu ích cho dân, cho nước. Thêm nữa, trong vòng vài tháng tiêu tốn không dưới con số hàng ngàn tỉ đồng, quá trình bầu cử quốc hội của Việt Nam tỏ ra vô cùng tốn kém nhất là so với việc lấy một ít rơm rạ, giẻ rách cùng vài chục phút đồng hồ là có thể cho ra đời một "thằng bù nhìn". 

*

Sau vòng 3 hiệp thương cả nước chỉ còn 11/162 ứng cử viên độc lập lọt vào danh sách chính thức để bầu đại biểu quốc hội khóa 14. Có nghĩa 151 /162 (93%) ứng củ viên độc lập bị loại. Một tỉ lệ lớn, đúng như dư luận đã tiên liệu. Qua phản ánh, kêu ca của các ứng viên thấy họ có rất nhiều lý do bị loại. Người không đủ kiên nhẫn để vượt qua nạn "hành là chính" có chủ định nên đã bị loại ngay từ "vòng gửi xe". Người qua được vòng này thì "mặt lại chưa đủ dày" để chịu được các màn đấu tố như thời cải cách ruộng đất của các dư luận viên nên đành phải bỏ cuộc. Người suôn sẻ vượt qua vòng 1, vòng 2 nhưng lại bị rớt ở vòng 3 vì không phải "cột cờ". Đơn cử các trường hợp: Ông Nguyễn Quang A bị lãnh đạo tổ dân phố chủ động rải truyền đơn bôi nhọ làm "mất uy tín" nên đã không qua được vòng tín nhiệm ở nơi cư trú. Thày Đỗ Việt Khoa chỉ vì sơ ý để "chó ỉa làm bẩn nhà hàng xóm" nên cũng bị loại ở vòng này. Luật sư Võ An Đôn bị loại sau kết quả "kiểm phiếu tín nhiệm lén lút ở miếu hoang". Nhiều khả năng ông Trần Đăng Tuấn không qua được vòng 3 bởi đã dám cả gan bỉ mặt các lãnh đạo xứ "thiên đường" khi sáng lập và điều hành chương trình "cơm có thịt cho học sinh vùng cao".... Tuy rằng khác nhau nhưng tất cả đều xuất phát từ một lý do chung là các ứng viên độc lập không nằm trong danh sách đảng cử. Danh sách mà dân tình dù có bầu kiểu nào đi chăng nữa thì vẫn cứ cho ra đời một "quốc hội bù nhìn". 

"Bù nhìn" trong tiếng Việt thường được dùng làm tính từ bổ nghĩa cho danh từ chỉ người, một tổ chức. Để chỉ người, tổ chức đó không làm được chức năng theo quy định mà lại làm theo sự điều khiển của người, tổ chức khác. Ví dụ "thằng bù nhìn" chỉ hình nộm giống người được dựng ở các cánh đồng để đuổi chim. "Vua bù nhìn","chính phủ bù nhìn", "quốc hội bù nhìn",... để chỉ những vị vua, chính phủ, quốc hội,... không có thực quyền, hoạt động dưới sự điều khiển của các thế lực khác. Vào đầu thế kỷ trước nhà thơ Tản Đà đã có bài thơ về "thằng bù nhìn" sau:

Thăm thằng bù nhìn 

Lơ láo kìa ai đứng cạnh bờ
Trần ai tri kỷ đã ai chưa?
Ba thu mưa gió trơ thân mộc
Bốn mặt giang sơn áo phất cờ
Được việc thế thôi, cày chẳng biết
Khinh đời ra dáng gọi không thưa
Lâu nay thiên hạ văn minh cả
Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư?

Hầu như tất cả các hiến pháp của Việt Nam đều xác định"quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân" có "quyền lực cao nhất" nhưng đó là trên giấy tờ còn thực tế thì không như vậy. Từ 1946 tới nay Việt Nam đã có 13 khóa quốc hội. Trừ khóa 1 đóng vai trò là "chim mồi" để lôi kéo các nhân sĩ, trí thức tham gia kháng chiến chống Pháp, các quốc hội từ khóa 2 trở đi hầu hết số đại biểu đều là đảng viên. Đảng làm điều này thật dễ vì họ trực tiếp chỉ đạo, điều hành, giám sát bầu cử dưới sự hỗ trợ của chính quyền, truyền thông cùng các tổ chức chính trị phủ khắp và ăn sâu bén rễ vào từng "ngõ ngách" hoạt động của dân chúng. Với số lượng chiếm hơn 90%, số đảng viên trong quốc hội hoạt động dưới sự chỉ đạo của cơ quan đảng đoàn quốc hội. Bách khoa toàn thư mở đã viết về cơ quan này như sau:

“Vai trò lãnh đạo rõ rệt nhất của Đảng Cộng sản đối với Quốc hội là cơ quan Đảng đoàn Quốc hội. Đây là một tổ chức của Đảng Cộng sản trong Quốc hội, gồm các đảng viên nắm vai trò trọng yếu trong Quốc hội như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban thường vụ quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư và các Ủy viên Đảng đoàn đều do Bộ Chính trị chỉ định. Về danh nghĩa, Đảng đoàn Quốc hội là một tổ chức có tư cách pháp nhân có con dấu độc lập. Trên thực tế, các hoạt động của Quốc hội đều được Bộ Chính trị và Ban Bí thư định hướng gián tiếp thông qua Đảng đoàn Quốc hội. 

Nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội

1. Lãnh đạo Quốc hội thực hiện đúng đắn đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng.

2. Thực hiện các nghị quyết của Đảng về tổ chức, cán bộ; quyết định những vấn đề về tổ chức, cán bộ theo sự phân công, phân cấp của Bộ Chính trị.

3. Kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong hoạt động của Quốc hội.

4. Được triệu tập đảng viên hoặc đại diện đảng viên ở các đoàn đại biểu Quốc hội để bàn chủ trương và biện pháp thực hiện nghị quyết của Đảng trong Quốc hội.

5. Báo cáo và kiến nghị với cấp ủy có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với đảng viên là đại biểu Quốc hội vi phạm nguyên tắc kỷ luật Đảng trong hoạt động Quốc hội.

6. Chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những đề xuất và các quyết định của Đảng đoàn.

7. Phối hợp với Đảng ủy khối và Đảng ủy cơ quan xây dựng Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội trong sạch, vững mạnh.

Vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị

Đảng đoàn Quốc hội trình Bộ Chính trị:

- Những vấn đề Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến khác với ý kiến BCT trước khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua (nếu có).

- Về định hướng trọng tâm hoạt động giám sát trong cả nhiệm kỳ của Quốc hội.
Về việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có sai phạm.

- Về kết quả giám sát, các kiến nghị, đề xuất sau giám sát đối với việc thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các chủ trương lớn của Đảng có ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; kiến nghị xử lý các vi phạm, kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị quản lý.

- Kiến nghị xử lý về trách nhiệm cá nhân cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý khi có vi phạm trong hoạt động Quốc hội.

- Những vấn đề khác Đảng đoàn Quốc hội thấy cần xin ý kiến Bộ Chính trị.

Vấn đề thuộc thẩm quyền của ban bí thư

Đảng đoàn Quốc hội trình Ban Bí thư: Kiến nghị xử lý về trách nhiệm cá nhân cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý khi có vi phạm trong hoạt động Quốc hội”

Thành phần và cách thức hoạt động như trên thì rõ ràng quốc hội không thể đại diện cho dân, lại càng không phải là đại diện cao nhất. Trong thực tế cái "đại diện cao nhất" này đã từng nhiều lần không làm tròn vai trò của mình. Chẳng hạn: bỏ mặc, thậm chí vào hùa với thủ phạm gây nên cái chết oan uổng của hàng vạn người trong cải cách ruộng đất, của hàng triệu người trong cuộc nội chiến Nam Bắc 1960-1975, của nửa triệu người vượt biển chạy trốn chế độ cộng sản vào những năm cuối 70 của thế kỷ trước... và giờ đây là bỏ mặc cả nước chìm trong tham nhũng, nợ nần, bỏ mặc hàng vạn dân oan trên khắp mọi miền đất nước, bỏ mặc ngư dân đánh cá bị xua đuổi, bắt bớ, bắn giết ngay trên biển của mình, bỏ mặc người Việt đang chết dần chết mòn vì ô nhiễm môi trường vì hóa chất độc hại của Trung Quốc. Không làm được tròn vai vì quốc hội chỉ được quyền làm những gì mà đảng cho phép. Đó là một năm họp 2 lần kéo dài 3 tháng tiêu tốn rất nhiều tiền thuế của dân chỉ để giơ tay thông qua những chủ trương, chính sách của đảng, soạn thảo hiến pháp là văn kiện của đảng, thông qua vài điều luật lặt vặt thêm thắt vào hệ thống luật rừng, chất vấn chính phủ lấy lệ,... Trong khi đó những luật quan trọng như luật biểu tình, lập hội thì dây dưa mãi từ năm này qua năm khác vì đảng không muốn có chúng.

Thậm chí khi Trung Quốc đã ngang nhiên kéo giàn khoan HD 981 vào lãnh hải của Việt Nam, ra sức bồi đắp xây dựng các đảo nhân tạo ở Hoàng Sa, Trường Sa làm căn cứ quân sự quốc hội vẫn tuyệt nhiên ngậm miệng, không thảo nổi một nghị quyết về biển Đông chỉ vì đảng sợ mất lòng người đồng chí Bắc Kinh. Như vậy dù tên gọi, vai trò, chức năng nghe thật kêu, quốc hội thực chất cũng chỉ là công cụ được đảng "nặn" ra như những hội đoàn quốc doanh khác có vai trò, chức năng thật là: Để dân tưởng rằng mình đã có đại diện, có tự do dân chủ, để "thay mặt" dân tán thành các nghị quyết, chủ trương, đường lối của đảng, để tỏ với thế giới rằng ở Việt Nam cũng có quốc hội.

Chung quy lại là "năn" ra để lừa. Với vai trò, chức năng thật này giữa quốc hội Việt Nam và "thằng bù nhìn" trong bài thơ trên của Tản Đà có nhiều điểm tương đồng. "Thằng bù nhìn" có hình hài giống người nhưng không biết cày và thưa gửi còn quốc hội Việt Nam được "sơn phết" bằng "đại diện cao nhất của nhân dân có quyền lực cao nhất" nhưng lại không đảm đương được vai trò, chức năng đó. "Thằng bù nhin" làm lũ chim tưởng là người xua đuổi chúng nên không dám xà xuống ăn lúa phá hại mùa màng.

Quốc hội Việt Nam khiến một số người dân nhẹ dạ tin rằng mình đã có đại diện và tự do dân chủ. Những điểm tương đồng trên là lý do để gọi quốc hội Việt Nam là quốc hội bù nhìn. Cùng là bù nhìn nhưng giữa quốc hội Việt Nam và "thằng bù nhìn" lại có những điểm khác biệt đến trái ngược. Tuy làm bằng rơm rạ, giẻ rách không biết cày cấy, thưa gửi như người nhưng "thằng bù nhìn" đã làm được một việc rất hữu ích là đuổi chim để bảo vệ mùa màng. Còn quốc hội Việt Nam đại biểu hầu hết là "đỉnh cao trí tuệ" có trình độ GSTS, thạc sĩ, cử nhân, nói thông thạo vài ba ngoại ngữ tương ứng với số phần trăm... nhưng ngoài việc tiêu tốn tiền thuế và giúp đảng đánh lừa dân ra, chẳng làm được một điều gì hữu ích cho dân, cho nước. Thêm nữa, trong vòng vài tháng tiêu tốn không dưới con số hàng ngàn tỉ đồng, quá trình bầu cử quốc hội của Việt Nam tỏ ra vô cùng tốn kém nhất là so với việc lấy một ít rơm rạ, giẻ rách cùng vài chục phút đồng hồ là có thể cho ra đời một "thằng bù nhìn". 

Hai câu kết

"Lâu nay thiên hạ văn minh cả
Bác mấy nghìn năm vẫn thế ư?"

của bài thơ trên là sự ngạc nhiên của tác giả sau khi nhận ra sự lạc hậu (tất nhiên) quá nhiều giữa "thằng bù nhìn"- một vật vô tri vô giác- và con người văn minh. Một kiểu ngạc nhiên đậm chất hài. Bắt chước tác giả sau khi so sánh quốc hội Việt Nam với quốc hội của các nước dân chủ tự do cũng thấy ngạc nhiên Đó đây thiên hạ văn minh cả

Quốc hội Việt Nam vẫn thế ư? nhưng sau đó chỉ thấy đậm nỗi ngao ngán, chua xót, bực bội vì quốc hội Việt Nam cũng gồm những con người bằng xương, bằng thịt biết nọ, biết kia và cũng đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố như ai.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo